Chuyện nghề báo từ 1 người học báo, ai lắng nghe?

“Ai bảo dính vào duyên bút mực

Suốt đời mang lấy kiếp long đong.”

Đó là những câu thơ của Nguyễn Bính nhưng tôi nghĩ không chỉ nghề văn mà kiếp làm báo cũng khó tránh khỏi cái long đong giữa dòng đời. Lắng nghe định kiến và cách người ta chỉ trỏ, bàn tán về nghề ắt hẳn không ít lần người làm báo cảm thấy mệt mỏi và tuyệt vọng. Nhưng sẽ ra sao nếu một ngày bạn thức dậy và vắng bóng những tin tức sốt dẻo? Sau tất cả, người làm báo và học báo vẫn tin tưởng và lựa chọn nghề vì niềm yêu thích và cả lòng đam mê. Vì những cống hiến cho xã hội dù chưa được yêu quý và trân trọng đúng với bản chất của mình.

Ai sẽ lắng nghe chuyện nghề báo?
Ai sẽ lắng nghe chuyện nghề báo?

Lắng nghe định kiến người đời dành cho nghề báo

“Nhà báo nói láo ăn tiền”, “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm.” “Học báo rồi làm sao lấy chồng?” “Mấy đứa học báo lý sự lắm!”, “Cái bọn nhà báo nói thêm nói bớt.” Nghề báo từ lâu đã mang nhiều định kiến, xã hội biến chuyển, tin tức nhiều vô kể, báo chí bất đắc dĩ nhận về những cái nhìn không mấy thiện cảm, bị đánh đồng với những kẻ giật tít, câu view.

Những ai học báo, làm báo khi chọn con đường chông gai này đều không khỏi chạnh lòng, xót ca hay rơi vào tình huống khó xử khi lắng nghe sự bàn tán, chỉ trỏ từ mọi người. Trên các trang mạng xã hội cho đến đời thực, trước những sự kiện gây tranh cãi dù thực hư chưa rõ thì nhà báo luôn trở thành “tội đồ”, là kẻ bị réo gọi trước tiên.

Công việc họ làm là đưa tin nhưng đáng buồn là những tin tức bổ ích cất công tìm kiếm đăng tải chẳng ai quan tâm. Nhưng giữa dòng thời sự nóng bỏng và ồn ào thì công chúng sẵn sàng chỉ trích, công kích báo chí mãnh liệt.

Lắng nghe để thấy nghề báo đang tranh đấu với sức ép nghẹt thở
Lắng nghe để thấy nghề báo đang tranh đấu với sức ép nghẹt thở.

Những định kiến của mọi người về nghề báo gay gắt như cái nắng tháng sáu, khắc nghiệt và tỏa ra nhiệt độ khiến người ta phải đầm đìa những giọt mồ hôi. Chính vì thế khi đặt bút ghi nguyện vọng là báo chí trong kỳ thi đại học, ít nhiều các bạn sinh viên như tôi cũng không khỏi ngổn ngang, trăn trở. Liệu mình có đủ mạnh mẽ để lắng nghe định kiến của người đời và vững tin theo đuổi?

Nghề báo là nghề lê la khắp các nẻo đường để săn tin, cũng không ít lần phải dấn thân vào nguy hiểm, liệu mình có đủ kỹ năng nghiệp vụ, sức khỏe khi làm nghề? Những câu hỏi ấy cứ đeo bám dai dẳng và ta chỉ có thể lắng nghe trái tim của mình, kiên tâm quyết định và sẵn sàng chấp nhận.

Nhưng hành trình khó khăn ấy chưa dừng lại, khi những người xung quanh lại tiếp tục dồn ta đến ngõ cụt và không chịu buông tha: “Sao không học kinh doanh hay marketing, làm báo thì chừng nào mới giàu cho được?” Hoặc “Học đại học làm gì rồi cũng thất nghiệp, bỏ học đi làm kiếm tiền vẫn là khôn ngoan.”

Không chỉ riêng cá nhân tôi mà những sinh viên báo chí chắc hẳn đều cộng hưởng chung một nỗi niềm đau đáu trong lòng, băn khoăn về câu trả lời thỏa đáng nhất để đáp trả mọi người, cũng áp lực, buồn bã, cần có Người Lắng Nghe và thấu hiểu.

Gia đình tôi cũng từng khuyên ngăn, hàng xóm cũng không ngớt lời bàn tán. Họ hiển nhiên mặc định tôi đã tự đặt mình vào con đường tự chuốc lấy khổ và đày đọa bản thân. Tôi trở thành tâm điểm để họ trút bỏ những tò mò, thắc mắc một cách bất lịch sự mà họ chẳng hề hay biết.

Nhưng chưa bao giờ họ mở lòng để lắng nghe tôi nói hay hiểu tôi thật sự muốn gì. Theo đuổi đam mê của mình là sai lầm? Nghề nào cũng cao quý và nghề báo cũng vậy. Chỉ cần ta lao động chân chính và cống hiến bằng sức lực của mình thì đều đáng được tôn trọng.

Học báo không xấu, hãy lắng nghe câu chuyện của người cầm bút

Lắng nghe định kiến và nỗ lực xóa bỏ định kiến ấy là việc mà các sinh viên báo chí và người làm báo vẫn đang làm. Làm một cách nhiệt thành và cật lực. Thử thách của nghề thì nhiều lắm, ví như nhuận bút ít ỏi, sống bằng nghề của chữ và bị chính những con chữ ấy đè nén, áp lực.

Nhiều lúc tôi nghĩ: “Nghề báo sao khó quá!” Khó hơn cái nhìn khắc nghiệt và những hiểu lầm người ta vẫn e ngại với nghề. Nhưng họ đâu biết đằng sau những con chữ là những lần lang thang, những góc khuất nhọc nhằn của bao ngòi bút trót mang kiếp xê dịch. Là những bước chân rã rời khắp phố phường để tìm thấy một bản tin hay, một bức ký chân dung bình dị giữa đời thường mà ta đã hững hờ từ lâu lắm.

Tôi nghĩ trong giây phút mệt mỏi nào đó, những gương mặt bình dị được thu vào ống kính, họ cũng có một niềm vui nho nhỏ, cũng cảm thấy đỡ chơi vơi, đỡ khổ. Vì họ không cô đơn giữa bộn bề, cũng có một người xa lạ nào quan tâm và ghi nhớ họ, để họ không chìm vào cái quanh quẩn đời thường rồi lãng quên mình trong nỗi lo cơm áo.

Người làm báo phải đi nhiều nơi, lắng nghe vang động cuộc sống, lắng nghe thời sự, lắng nghe buồn vui và số phận của mọi người. Lắng nghe người khác là rất khó nên học báo và làm báo chưa bao giờ dễ dàng.

Người học báo và làm báo cần được lắng nghe và thấu hiểu
Người học báo và làm báo cần được lắng nghe và thấu hiểu

Những câu chuyện của nghề báo và định kiến của người đời như một vòng lặp không hồi kết. Nhưng tôi biết những khó khăn, thách thức ấy sẽ tạo nên tôi của hiện tại và tương lai. Lắng nghe những âm thanh cuộc sống va đập vào lòng khiến tôi trưởng thành, mạnh mẽ hơn, hiên ngang hơn để tay cầm chắc bút.

Tôi sẽ cất giữ những gì mình lắng nghe được vào cuốn sổ tay, khóa cẩn thận trong ngăn tủ trái tim để mỗi lần nhung nhớ tôi lại mở ra, thổi cho lớp bụi ấy bám đầy tâm hồn, lấp vào những khoảng trống.

“Tuổi xuân của chúng ta đã vội vã khoác áo ra trận và chết ở nơi sa trường.” Phải chăng chỉ khi tự thiêu cháy mình trên lửa nóng đam mê, tuổi trẻ mới kết tinh cùng vĩnh hằng nguyên vẹn? Người học báo và làm báo cũng tựa như một chiến binh, ngày ngày vật lộn với những “đối thủ” tin tức, định kiến từ bốn bề xung quanh nhưng không bao giờ nao núng bỏ cuộc.

Nghề báo như cánh diều nhưng bầu trời đâu thiếu những ngày lặng gió. Liệu chúng ta – những người giữ dây cước có đủ kiên nhẫn để đợi chờ, lắng nghe một chiều gió lộng? Tháng ngày còn cất giấu đâu đó những tâm tư, tôi hy vọng mọi người có thể lắng nghe để tìm thấy câu chuyện của những người đang nỗ lực hết sức.

Nhưng riêng tôi, nghề báo có lẽ sẽ trao cho tôi lăng kính mới mẻ và rất đời để tôi chiêm ngưỡng cuộc sống, thấu cảm với mọi người và trưởng thành hơn trong nội tại, tiếp thêm lửa để tôi tâm huyết với nghề trên chặng đường phía trước.

Kỷ Hương

Người Lắng Nghe Chuyện nghề báo từ 1 người học báo, ai lắng nghe?
Bài viết liên quan

Trả lời