Chuyến tàu lắng nghe, Tết vui trọn vẹn

“Lắng nghe đưa ta đến với miền đất vô ngôn nhưng không vô tâm”. Đó là một câu nói rất hay mà tôi luôn tâm niệm. Ngồi trên chuyến tàu về nhà đón tết, tôi rơi vào dòng suy nghĩ miên man. Năm qua, tôi đã lắng nghe nhiều câu chuyện. Mỗi người tìm đến Người Lắng Nghe đều mang một nỗi niềm. Mỗi hoàn cảnh như một gam màu trong bức tranh tổng thể của cuộc sống. U buồn có, tươi sáng có nhưng đều mang đến những cảm xúc khó tả, chứa đựng những hỉ nộ ái ố, khiến tôi “già” hơn như đi qua được nhiều cảnh ngộ của cuộc đời chỉ bằng việc lắng nghe và thấu hiểu. Tiếng còi vang lên và tàu rục rịch chuyển bánh, tôi thoát khỏi dòng suy nghĩ của chính mình. Nhìn ra cửa sổ và thở nhẹ một hơi, tôi biết hành trình của Người Lắng Nghe chưa dừng lại mà chỉ mới bắt đầu.

Người Lắng Nghe Chuyến tàu lắng nghe, Tết vui trọn vẹn
Đoàn tàu chở mùa xuân, Người Lắng Nghe chở những câu chuyện

Khi lắng nghe là sợi dây kết nối cha mẹ và con cái

Trong những ngày vừa gỡ bỏ giãn cách, tôi nhớ mình đã gặp một bạn sinh viên trẻ. Em đến để tâm sự với tôi về những căng thẳng và cả những giá trị em nhận ra trong đỉnh dịch Covid-19 vừa rồi. Em vừa vào năm nhất và lên Sài Gòn học tập. Cha mẹ ở nhà làm lụng vất vả để có thể trang trải sinh hoạt và học phí cho em. Vì mối lo cơm áo, học tập và khoảng cách địa lý mà em và cha mẹ ít có cơ hội lắng nghe nhau.

Một cuộc gọi vội vàng cũng trở nên xa xỉ. Cho đến khi em nhận được tin báo mẹ nhiễm bệnh nặng, tình hình rất xấu và phải dùng máy thở ở trại cách ly. Nhà đơn chiếc, phận là con trai cả nhưng em ở xa không thể cáng đáng được gì để phụ giúp gia đình. Đứng trước ranh giới sinh tử và chia ly, em mới nhận ra khoảng cách giữa cha mẹ và mình ngày càng xa.

Lắng nghe là bản nhạc du dương mà gia đình cùng nhau hòa tấu
Lắng nghe là bản nhạc du dương mà gia đình cùng nhau hòa tấu

Đã lâu lắm, em và cha mẹ chưa có một bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình hay hỏi han, nghe nhau kể về những chuyện vu vơ của một ngày. Sự im lặng khiến hai thế hệ không thể lắng nghe nhau chân thành và trọn vẹn. Ta xem việc nghe và nói với nhau vài lời có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Cái việc tưởng chừng “bình thường” nhưng khi mất đi mới biết “bình thường là hạnh phúc”.

Nghe câu chuyện của em, tôi nhận ra sự lắng nghe giữa cha mẹ và con cái là vô cùng quan trọng. Tình cảm gia đình đáng quý có thể bị “khai tử” chỉ vì ta không tâm sự, lắng nghe nhau để kết nối và yêu thương. Có những lời sẽ rơi vào tiếc nuối, muộn màng và không kịp để lắng nghe lần sau cuối. Như cậu sinh viên trên, tôi mừng vì mẹ em đang dần hồi phục.

Tôi vẫn chưa quên ánh mắt khi em tạm biệt tôi và ra về. Sau khi giãi bày tâm sự và được lắng nghe, tôi thấy em nhẹ nhõm và trưởng thành hơn từ dáng vẻ cho đến cách suy nghĩ. Và có lẽ, đây là lúc em khao khát lắng nghe những lời yêu thương của cha mẹ, được ở bên họ khi mùa xuân đang thong thả kéo về.

Hôn nhân và tầm quan trọng của việc lắng nghe

Bỗng đoàn tàu có người chuyển chỗ, vài vị khách bước đến ngồi gần tôi. Đó là đôi vợ chồng trẻ cùng một đứa con, có lẽ cũng đang trên đường về nhà ăn Tết. Chị vợ trông có vẻ mệt mỏi còn anh chồng thì thờ ơ. Đứa con nhỏ ngồi giữa giương đôi mắt to tròn ngây thơ, vô tội. Tôi lại nhớ đến câu chuyện tương tự mà tôi đã lắng nghe gần đây. Vì kinh tế mùa dịch khó khăn mà vợ chồng thường xuyên lục đục, cãi vã.

Người phụ nữ đến tâm sự với tôi lúc ấy mang nét buồn bã trên gương mặt. Chị là nội trợ, ở nhà chăm con và sống phụ thuộc vào tiền lương của chồng. Mấy tháng liền giãn cách, chồng chị không thể đi làm. Vì những con số 0 trên tờ polyme mà hai vợ chồng trở nên căng thẳng. Những bữa cơm quanh quẩn trứng chiên, mì gói. Loay hoay là tiền nhà trọ, chạy đua với hóa đơn điện nước hằng tháng.

Hôn nhân không khỏi có những lúc cãi vã nhưng hãy lắng nghe để thấy nỗi niềm sâu kín của nhau
Hôn nhân không khỏi có những lúc cãi vã nhưng hãy lắng nghe để thấy nỗi niềm sâu kín của nhau

Bốn bức tường như một thứ lao ngục giam cầm những bức bối không thể giải tỏa. Chồng không lắng nghe chị, thường xuyên nói những lời gắt gỏng như xát muối vào tim. Cảm xúc tiêu cực đeo bám và chị khóc rất nhiều. Chị bất lực và tuyệt vọng. Tôi thở dài và đồng cảm khi cũng gặp khó khăn về kinh tế như chị.

Nhưng tôi nghĩ hôn nhân cần sự vun vén, lắng nghe nhau nhất là trong những giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời. Khi những cảnh ngộ chia ly, con mất cha mẹ, cháu mất ông bà vẫn đang diễn ra hằng ngày. Ta hãy “xem nhẹ” giá trị của đồng tiền mà lắng nghe nhau dịu dàng và ân cần nhất có thể.

Lúc nào đó, vật chất cũng trở nên vô nghĩa nếu ta đánh mất gia đình của mình. Hôn nhân cần sự lắng nghe, chia sẻ từ hai phía. Hãy mạnh dạn bày tỏ những áp lực của mình và cùng nhau giải quyết, vượt qua giai đoạn kinh tế buồn, khắc nghiệt không của riêng ai.

GenZ cất tiếng, ai lắng nghe?

Rời mắt khỏi cặp vợ chồng, nhìn phía đối diện, tôi thấy một bạn sinh viên đang đọc sách. Em gái tôi cũng là sinh viên năm cuối. Vì dịch bệnh mà phải hoãn kỳ thực tập, ở nhà học và hoạt động online. Nó từng tâm sự mình bị stress khi ngụp lặn trong mớ kiến thức phức tạp, khó khăn, bị chi phối học tập bởi mạng xã hội.

Áp lực thi online và vấn đề máy móc cũng khiến em mệt mỏi. Suốt ngày dán mắt vào màn hình laptop, điện thoại, không thể ra ngoài gặp thầy cô, bạn bè hay trải nghiệm cọ xát khiến em cảm thấy buồn bã, chán nản và buộc phải trì hoãn nhiều mục tiêu, dự định. Em dần đánh mất sự nhiệt huyết và lo sợ thất nghiệp.

Người trẻ cần sự lắng nghe và động viên để không rơi vào bước độc hành trên đường đời thênh thang, rộng lớn
Người trẻ cần sự lắng nghe và động viên để không rơi vào bước độc hành trên đường đời thênh thang, rộng lớn

Tôi vẫn nhớ mình đã lắng nghe và khuyên em hãy biến áp lực thành động lực bởi một chiến binh giỏi luôn đương đầu với những trận chiến khắc nghiệt nhất đời. Nhưng tôi ngẫm quả thật “thời gian làm mòn mọi gót giày” khi nó khiến những năng nổ trong ta tàn lụi và trở nên già cỗi, thiếu đi hoài bão và sức sống.

Người trẻ thường dễ bối rối trước những giao lộ của cuộc đời và khi không được lắng nghe, họ sẽ tạo một hố sâu chôn vùi chính mình với những áp lực và lạc lối khi không tìm thấy định hướng.

Lắng nghe em, tôi nhớ chính mình trước đây cũng từng chơi vơi, lạc lõng những ngày đầu ra trường, phải bươn chải đủ thứ để lo cho cuộc sống. Và hiện tại, tôi sẽ là Người Lắng Nghe, giúp em vượt qua những trở ngại, thử thách ấy, khích lệ em vững tin vào tương lai và chính mình.

Người Lắng Nghe và hành trình lan tỏa

Tàu vẫn lăn bánh và tôi bất giác chiêm nghiệm về bản thân. Với tư cách là một Người Lắng Nghe, tôi đồng cảm với những trăn trở của mọi người. Nhưng cũng không khỏi có những lần tôi thấy mình bé nhỏ và cần được lắng nghe, chia sẻ. Và ai cũng mưu cầu được lắng nghe, cất lên những âm thanh như một tiếng thoát vượt lên bờ cõi và giới hạn.

Lắng nghe như một thứ vắc xin tinh thần, một hiệu thuốc tâm hồn với những người bác sĩ không bằng cấp. Tất cả những gì họ cần là một đôi tai và trái tim sẵn sàng thấu hiểu.

Xếp lại những suy nghĩ, tôi nhìn ra cửa sổ. Không khí xuân đang về, nhịp sống đang vận hành theo đúng quỹ đạo của nó. Những âm thanh quen thuộc của quán xá, xe cộ và đường phố, những tiếng gọi mời chào hàng rong. Phải chăng đó là dấu hiệu tích cực của những ngày bình thường mới, của sự đoàn viên và sum họp sau một mùa dịch đau thương ngấn lệ?

Năm cũ qua đi, năm mới sắp đến. Tôi – một Người Lắng Nghe lại tiếp tục hành trình của mình, sẵn sàng chào đón tương lai tốt đẹp cùng nhiều câu chuyện với sứ mệnh lan tỏa, đồng hành cùng mọi người qua những cung bậc xúc cảm để được chữa lành và yêu thương. Con tàu nào rồi cũng về sân ga và câu chuyện nào cũng cần một Người Lắng Nghe như bến đỗ yên bình với sự nâng niu, che chở.

Kỷ Hương

Người Lắng Nghe Chuyến tàu lắng nghe, Tết vui trọn vẹn
Bài viết liên quan

Trả lời