Lắng nghe nhân cách của người Chú già 72 tuổi

Người Chú già 72 tuổi được giới thiệu tới làm điện, thay bóng đèn cho cặp vợ chồng chủ nhà nọ. Thấy người Chú già làm được việc, cặp vợ chồng chủ nhà “tranh thủ tận dụng”, và một sự việc không nên có đã diễn ra. Cặp vợ chồng không trả tiền thù lao cho Chú. Đối diện với hành động này của cặp vợ chồng chủ nhà, liệu Chú sẽ ứng xử như thế nào?

Người Lắng Nghe Lắng nghe nhân cách của người Chú già 72 tuổi
Người Chú già 72 tuổi vẫn lao động để kiếm đồng tiền chân chính

Lắng nghe một câu chuyện “đậm vị đời”

Ngồi trò chuyện cùng với Chú vào một chiều mưa tầm tã của Sài Gòn. Ở cái tuổi 72, độ tuổi mà sự nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già luôn được ưu tiên thì Chú, một người lao động cao tuổi, hiện đang sinh sống ở Quận 4 – TP. Hồ Chí Minh lại hàng ngày tất bật với những cuộc điện thoại và những chuyến đi tới từng gia đình để sửa từng van nước hay thay cái bóng đèn hư.

Chú cùng vợ và con gái sống trong 1 căn nhà nhỏ ở con hẻm của Quận 4. Nhà có tiệm tạp hóa nhỏ để buôn bán những đồ lặt vặt cho những hộ dân xung quanh, thu nhập cũng không đáng kể, thế nên dù tuổi đã cao nhưng với tính cẩn thận và rất giỏi trong việc sửa chữa thay thế các thiết bị điện và nước của gia đình, Chú vẫn đi nhận việc và kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Tay nghề tốt, cẩn trọng trong công việc nên Chú được rất nhiều người quen biết giới thiệu và thật may mắn cho những ai hữu duyên biết đến Chú.

Người Lắng Nghe Lắng nghe nhân cách của người Chú già 72 tuổi
Người Chú già 72 tuổi (Hình minh họa)

Là một người sống tình cảm, Chú dễ đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, nên tiền thù lao Chú lấy luôn ở mức vừa phải và luôn đặt tâm thế vào vị trí của khách hàng. Trong một lần Chú được giới thiệu tới làm điện, thay bóng đèn cho cặp vợ chồng chủ nhà nọ, thấy người Chú già làm được việc, cặp vợ chồng chủ nhà “tranh thủ tận dụng”, và một sự việc không nên có đã diễn ra.

Ngỡ rằng, “chân thành sẽ đổi lại chân thành” nhưng cả 2 vợ chồng người chủ nhà lại lợi dụng cả Chú và người giới thiệu kia, nhất quyết không trả tiền thù lao cho Chú, ngay cả khi đã được thông tin và nhắc nhở. Đối diện với hành động này của cặp vợ chồng chủ nhà, liệu Chú sẽ ứng xử như thế nào?

Không ai giàu có khi bớt xén 600.000 đồng

Khi lắng nghe Chú kể đến đây, tôi – một người ngoài cuộc, cảm thấy tức giận và bất bình thay. Thế nhưng, Chú lại kể về nó như không phải chuyện của mình. Chú cười xòa trước hành động vô tâm kia. Khi sự lao động vất vả của Chú không nhận được kết quả xứng đáng, Chú vẫn vui vẻ, không quá đặt nặng chuyện tiền nong. Chú nhẹ nhàng “Thôi Chú cho vợ chồng đó, cũng không ai giàu lên với mấy trăm ngàn đó đâu con !”

Nhưng nhìn sâu trong ánh mắt của Chú, tôi vẫn cảm nhận được những sự khó chịu cũng như bất ngờ với kiểu cách của 2 con người mà Chú đã gặp phải.

Người Lắng Nghe Lắng nghe nhân cách của người Chú già 72 tuổi
72 tuổi, tóc bạc hết đầu, Chú vẫn luôn được mọi người tín nhiệm

Tôi tự hỏi nếu như người đó không phải là người Chú già, mà là một thanh niên trai tráng thì liệu vợ chồng người chủ nhà kia có dám hành động một cách ngông cuồng như vậy hay không. Hay ở khía cạnh khác, nếu là một người trẻ tuổi thì liệu anh ta có đủ bình tĩnh và khoan dung để đơn giản hóa sự việc như Chú đã làm hay chăng? Hay liệu sẽ có những lời qua tiếng lại, hay thậm chí là một cuộc xô xát xảy ra? 

Chú – một người thợ điện đã ở cái tuổi ngoài 70 tuổi, đã kinh qua không biết bao nhiêu khó khăn, đã gặp qua không biết bao nhiêu loại người. Liệu có phải, những gió sương dày dặn của cuộc đời đã tôi luyện tinh thần của con người Chú, khiến họ ung dung hơn khi đối diện với những khó khăn và gặp những con người tồi tệ. 

Lắng nghe và thấu hiểu chưa bao giờ là câu chuyện từ một thế hệ

Lắng nghe câu chuyện của Chú, tôi vừa cảm phục Chú bởi cách nhìn nhận và hành xử đầy văn minh nhưng cũng băn khoăn về suy nghĩ và hành động của một bộ phận những con người ngày nay. “Kính lão đắc thọ”, nếu như cặp vợ chồng người chủ nhà trong câu chuyện trên có lắng nghe được tiếng nói từ lương tâm, chắc hẳn 2 con người họ cũng phải tự xấu hổ với chính bản thân mình và họ hãy học thêm cách sống tử tế với người đã có tuổi. 

Người Lắng Nghe Lắng nghe nhân cách của người Chú già 72 tuổi
Mỗi người ta có thể nghèo tiền, nghèo bạc nhưng đừng bao giờ nghèo nhân cách và đạo đức

Mọi sự lao động chân chính, đến từ mọi độ tuổi, đều đáng được trân trọng. Dành thời gian lắng nghe suy nghĩ của bậc cha chú, ta càng có thêm những chiêm nghiệm và cảm phục về cách họ phản ứng với những thách thức trong cuộc sống.

Dù có lẽ, gánh nặng của cơm áo gạo tiền khiến họ phải gồng mình mưu sinh khi đã ở cái tuổi đáng lý phải được nghỉ ngơi và thảnh thơi. Nhưng cái cách mà họ xem nhẹ những khó khăn, cách mà họ lắng nghe và quan sát cho những người trẻ xứng đáng được học hỏi và có được sự tôn trọng từ chính chúng ta.

Mỗi người ta có thể nghèo tiền, nghèo bạc nhưng đừng bao giờ nghèo nhân cách và đạo đức vì đó là cách thể hiện giá trị của một con người. 

Đọc thêm:

https://nguoilangnghe.vn/goc-chia-se/quan-sat-va-lang-nghe-de-nhin-ra-nguoi-xao-ngon/

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             Thu Thủy

Bài viết liên quan

Trả lời