Lắng nghe 1 kẻ thất bại trong kỳ thi đại học

Thế giới song hành bởi những mặt đối lập nhau, có màu trắng sẽ có màu đen, có người thành công tất yếu sẽ có kẻ thất bại. Nhưng kẻ bại trận thì ít được lắng nghe. Tôi là một học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3, mang tư thế chiến binh với tỷ lệ chọi gay gắt để có một tấm vé vào giảng đường đại học. Nhưng tất cả đã sụp đổ khi tôi trượt đại học, hay nói cách khác là tôi không trúng tuyển những nguyện vọng top đầu và ngậm ngùi học một trường tư, một trường dự phòng cho trường hợp xấu nhất, là nỗi ái ngại khi nhắc đến vì không đáp ứng được mong muốn và sự kỳ vọng to lớn của phụ huynh.

Ai sẽ mở lòng để lắng nghe câu chuyện của một người thất bại? 
Ai sẽ mở lòng để lắng nghe câu chuyện của một người thất bại?

Trượt đại học là lúc tôi bị tước đi quyền được lắng nghe

Trong một xã hội hiện đại mà ai cũng quan trọng thành tích, điểm số và tung hô các chứng chỉ chuyên môn. Các bậc cha mẹ sẵn sàng đầu tư số tiền khổng lồ cho con mình học tập, đi du học để nâng cao kiến thức và kỹ năng. Việc có tên trong danh sách trúng tuyển hay bước chân vào những ngôi trường danh giá như một cách để phụ huynh hãnh diện và nở mặt nở mày với mọi người xung quanh thì việc rớt đại học là một bước sa chân từ thiên đàng rơi xuống địa ngục.

Tôi là một học sinh vừa thất bại trong kỳ thi mà người khác thường nói là quan trọng nhất cuộc đời. Tôi không đậu bất kỳ trường nào theo nguyện vọng, yêu cầu của bố mẹ

Trượt đại học, tôi khao khát sự lắng nghe như mùa hạ oi bức cần một cơn mưa rào để xoa dịu, tưới mát.
Trượt đại học, tôi khao khát sự lắng nghe như mùa hạ oi bức cần một cơn mưa rào để xoa dịu, tưới mát.

Chuỗi ngày sau đó thật kinh khủng khi tôi không được lắng nghe và thấu hiểu. Nhìn bạn bè đồng trang lứa hào hứng bước vào những trường đại học danh tiếng, tự hào vì thành tích cao chót vót được vinh danh trên bảng vàng. Trên mạng xã hội họ vui vẻ đăng tải những trạng thái, bức hình ăn mừng cùng người thân, gia đình và tràn ngập những lời khen ngợi.

Tôi càng nghẹt thở, tự ti rồi xấu hổ, chỉ muốn vùi mình trong phòng, mong mình bị quên lãng và mặc kệ xung quanh. Cha mẹ cũng buồn bã, thất vọng và không lắng nghe tôi, dù tôi cố gắng giải thích và mong họ hiểu rằng mình đã nỗ lực hết sức.

Áp lực từ gia đình rồi đến họ hàng, cô dì chú bác. Họ cứ xoáy những câu hỏi mà không ai lắng nghe hay nhìn thấy tôi đang kiệt quệ và sắp gục ngã. Có người cho rằng tôi lười biếng, có người nói học tài thi phận. Họ không lắng nghe cũng không cho tôi quyền cất tiếng nói vì tôi trượt đại học.

Tôi đã trở thành một gánh nặng, một nỗi xấu hổ. Đại học thật sự là tất cả? Người thất bại cũng cần được lắng nghe, an ủi. Phải chăng thành tích đã uy lực tới mức có quyền tước đi nhu cầu được lắng nghe, được giãi bày của một người, đặc biệt là những người trẻ tuổi?

Lắng nghe tiếng lòng của chiến binh thua trận

Học tập quan trọng, điểm số cũng là cách hữu dụng để đánh giá một quá trình nhưng nó không phải là tất cả, như một vệt mây đen không thể che cả bầu trời rộng lớn. Trong cuộc sống, ai không nếm qua trái đắng và thất bại. Nhưng ai đó cũng có thể thành công nếu họ nỗ lực hết sức mình. Tôi ước mình được những định kiến ngoài kia bao dung, bớt đi sự khắt khe để lắng nghe tâm tình, nỗi thống khổ của một chiến binh thua trận.

Có thể tôi không có được tấm vé thông hành nhanh nhất là đại học để đi đến ước mơ, mục tiêu của chính mình. Nhưng đâu đó tôi sẽ cố gắng tìm được một chỗ ngồi dù không êm ái trên chuyến tàu ấy để cố gắng vươn lên.

Bill Gate, Jack Ma là những tấm gương. Nhưng có lẽ mọi người cho rằng họ là những vĩ nhân, một đứa rớt đại học như tôi đừng mơ mộng hão huyền hay cố gắng bao biện. Đúng vậy! Họ chính là những vĩ nhân nhưng tôi cũng muốn nói rằng tất cả chúng ta đều có thể làm được những điều phi thường và trở thành một vĩ nhân nếu có người lắng nghe, thấu hiểu và động viên mình.

Tôi muốn họ lắng nghe suy nghĩ và mong muốn của tôi.
Tôi muốn họ lắng nghe suy nghĩ và mong muốn của tôi.

Đại học cánh cổng ấy phải chăng đã được mọi người tô hồng, mỹ miều hóa một cách cực đoan và khiến cho những ai không có cơ hội đặt chân vào trở thành một tội đồ, một sự thất bại đáng chê trách? Tôi muốn mọi người lắng nghe những tiếng thở dài và bất lực khi tôi vùi mình trong đống đề cương, tập sách ôn thi đầy chữ. Tôi muốn mọi người lắng nghe những lời ám thị, thúc giục tôi học, học nữa và nhất định phải thi đỗ theo nguyện vọng của bố mẹ. Tôi muốn được chút tự do, nghỉ ngơi sau khi gồng mình làm hài lòng người khác.

Khoảnh khắc yên bình của tôi trong những ngày tháng ôn thi ấy là khi tôi ngồi trên chiếc xe buýt đến trường, đeo phone và lắng nghe bản nhạc tôi yêu thích. Tôi ngắm nhìn đường phố, xe cộ và suy nghĩ đâu đó giữa rộng lớn ngoài kia, có người cũng giống như tôi cần được lắng nghe, hy vọng được nắm lấy bàn tay để mạnh mẽ đứng dậy.

Nhìn thấy trên mặt báo, tin tức về những câu chuyện thương tâm về một nữ sinh trầm cảm, tuyệt vọng, một nam sinh buồn bã muốn kết thúc cuộc đời vì trượt đại học. Tôi tự hỏi khi nào mọi người mới lắng nghe, đặt dấu chấm hết cho những góc tối đau lòng này. Các bạn trẻ đã chịu đủ tự ti, họ ý thức mình đã tụt lại trên đường đua và cần người quay đầu, trao cho họ một ánh nhìn và lắng nghe những tổn thương của tâm hồn đang rạn vỡ.

Hãy lắng nghe những người trẻ đã thất bại trong kỳ thi đại học như tôi bởi ai cũng xứng đáng được lắng nghe, nâng niu và trân trọng. Hằng năm, mỗi mùa tuyển sinh về, bên cạnh những nụ cười cũng âm thầm những trái tim đang khóc. Chúng tôi đã trượt ngã thật đau trước một cánh cửa nhưng chúng tôi sẽ đứng dậy và ghi nhớ vết thương ấy như một lời nhắc nhở. Lắng nghe chưa bao giờ là muộn khi những âm thanh thoát ra từ đáy lòng một ai đó mang theo sức mạnh thần kỳ, có thể cứu rỗi một cuộc đời hoặc thậm chí thay đổi cả thế giới.

Kỷ Hương

Người Lắng Nghe Lắng nghe 1 kẻ thất bại trong kỳ thi đại học
Bài viết liên quan

Trả lời