Khi đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, phát sinh biến chủng mới, lây lan phức tạp thì việc được ngồi lại đông đủ, khỏe mạnh để kể và lắng nghe những buồn vui trong năm của nhau đã là một điều may mắn. Nhưng họp mặt gia đình đầu năm lại nảy sinh câu chuyện thiếu sự lắng nghe. Ta có thể nghe những câu hỏi thắc mắc nhảy số liên tục mà người phải trả lời lại rơi vào thế bí. Vì thế mà người trẻ đặc biệt sợ tết với lý do đáng buồn là không ai lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư sâu kín.

Thừa kẻ hỏi nhưng thiếu người lắng nghe
Câu hỏi khó ngày Tết là chuyện không của riêng ai. Bất kỳ người nào cũng có thể trở thành “nạn nhân” của những câu hỏi hóc búa. Đặc biệt là GenZ – người trẻ nhận được sự kỳ vọng, đánh giá cao trong xã hội hiện đại, thường xuyên trở thành mục tiêu được họ hàng, gia đình “nhắm trúng”.
Trong không khí vui vẻ, rộn ràng, GenZ dễ bị tụt mood khi bỗng có ai nhắc đến chuyện học hành, thi cử rồi điểm số năm vừa qua. Những bạn trẻ vừa ra trường, đang trong quá trình tìm kiếm việc làm thì phải bất đắc dĩ lắng nghe và ấp úng trước câu hỏi về thu nhập, lương bổng hằng tháng và thậm chí là tiền thưởng tết hay khoản tiết kiệm.

Cứ thế, người trẻ dần cảm thấy đôi vai thêm gánh nặng, tâm trạng cũng căng thẳng vì không biết sẽ hứng “cơn mưa” thăm hỏi gì tiếp theo. Họ muốn nói rằng bản thân đã cố gắng hết sức trong thời gian vừa qua và cần người lắng nghe, chia sẻ. GenZ cũng chỉ là những cá thể vừa đặt những bước chân đầu tiên trên đường đua dài mang tên cuộc đời.
Họ muốn cất tiếng giãi bày rằng mình đã lắng nghe đủ những vang động, khó khăn của nhịp sống ngoài kia, đã lắng nghe đủ lời cằn nhằn của sếp và tiếng bực dọc của đám bạn. GenZ trở về mái ấm trong thời khắc xuân sang với khao khát hóa thành đứa trẻ, được dỗ dành và lắng nghe những lời tha thiết, yêu thương.
Người lớn cần lắng nghe tiếng nói của người trẻ
Người lớn có những quan điểm riêng về sự thành công và đôi khi họ quên mất mình cũng cần mở lòng để lắng nghe thế hệ trẻ. Thành tựu đáng tự hào có phải là lương cao, việc ổn định, dẫn người yêu về ra mắt gia đình, có nhà có xe, tích lũy được vốn để khởi nghiệp và dùng nó để ra oai?
Hay nếu cởi mở lắng nghe định nghĩa của thành công, chỉ đơn giản là gia đình vẫn khỏe mạnh, đông đủ khi ngoài kia đầy rẫy những giọt nước mắt và cảnh ngộ chia ly. Là niềm may mắn khi ta vẫn ăn no, mặc ấm, sống đủ đầy khi ngoài kia bao nhiêu doanh nghiệp lao đao, người trắng tay, khốn đốn phá sản. Và thành công đơn giản chỉ là ta vẫn sống và theo đuổi đam mê, vui vẻ với công việc, con đường mình đã chọn.
GenZ mong mọi người có thể lắng nghe và hiểu rằng người trẻ cần những trải nghiệm thay vì gồng mình kiến tạo một thành công quá sức, sau đó kiệt quệ và nó bị nhấn chìm. Nhà là nơi để bản thân được che chở, vỗ về và trở nên ngây thơ, bé nhỏ chứ không phải là chiến trường để ta mặc một chiếc áo giáp sắt, trang bị tinh thần căng thẳng của kẻ ra trận để chống đỡ những câu hỏi, đối phó với những áp lực tạo ra từ người thân của mình.

Không khí vui vẻ, ấm cúng ngày tết nên quây quần bên nhau tận hưởng tròn vị. Thay vì lắng nghe nhiều câu hỏi như tra tấn tinh thần thì các bạn trẻ mong được lắng nghe những lời chúc, hỏi han sức khỏe, lắng nghe trái tim đập bồi hồi khi ai đó dành cả sự dịu dàng để quan tâm mình có ổn không. Hay tất cả những gì ta làm chỉ là lắng nghe một bản nhạc xuân với giai điệu rộn ràng, tươi vui khởi đầu một năm an yên, thuận lợi.
GenZ đang nỗ lực trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân chứ không phải để thành công giống như một hình mẫu lý tưởng nào đó. Và nếu chưa giải quyết được những áp lực, muộn phiền thì câu hỏi “Tết 2022, đâu là đôi tai lắng nghe GenZ?” vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở.
Kỷ Hương