Xin hãy lắng nghe con!

Bé gái N.T.V.A (8 tuổi) bị mẹ kế bạo hành đến mức tử vong ở TP. Hồ Chí Minh: “Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng làm người lớn”, ấy vậy mà những bậc làm cha mẹ, đôi khi lại áp đặt tư tưởng của mình lên con trẻ. Đã bao giờ bạn chọn cách lắng nghe và tôn trọng nỗi lòng của con mình?

con can duoc lang nghe-1
Xin lắng nghe để trẻ đừng cô đơn trong chính căn nhà của mình.

Nơi đâu là gia đình, nơi đâu con sẽ được lắng nghe?

Sự việc xảy ra khiến chúng ta không khỏi đau lòng và xót xa cho bé gái N.T.V.A. Càng căm phẫn trước hành vi tàn bạo của mẹ kế bao nhiêu, tôi càng thương xót cho cô bé xấu số bấy nhiêu. Tự hỏi, là trẻ con – bản thân em đã làm sai điều gì mà tạo hóa bắt em phải đánh đổi lớn như vậy?

Một tuổi thơ chóng vánh, trước đây em cũng từng có một gia đình hạnh phúc như bao bạn nhỏ khác: có bố, có mẹ và có đầy đủ tình thương từ mọi người. Sẽ chẳng có gì đáng nói cho đến một ngày bố em theo người phụ nữ khác và buộc em phải xa mẹ đẻ để bắt đầu một chuỗi ngày cay nghiệt với mẹ kế. Bố mẹ li hôn để lại một nỗi đau, một vết sẹo lớn trong tim em mà không ai chịu lắng nghe, chia sẻ.

Giá mà người lớn, ai cũng thật hiểu chuyện như số ngày họ có mặt trên cuộc sống; giá mà họ một lần đặt tâm tư mình vào con trẻ, biết đâu chính họ cũng thấy thật khắc nghiệt và mệt mỏi.Từ dạo ba mẹ rời xa nhau, em bị bố cấm gặp mẹ, em nhớ mẹ lắm, em cần có mẹ lắng nghe em, em nhớ cả những tháng ngày hạnh phúc đã qua trong căn nhà nhỏ, em ao ước được một lần sà vào vòng tay mẹ, được ôm ấp dịu dàng.

xin hay lang nghe con
Bố mẹ ly hôn- còn con thì sao? Ai sẽ lắng nghe con?

May mắn là em có bà vú, bà yêu thương em từ ngày em còn bé xíu, bà thay cho mẹ lắng nghe, vỗ về em, có những đêm em vùi vào lòng bà khóc nức nở. Bản thân em chưa đủ lớn để diễn đạt những nỗi đau bằng lời, chỉ biết rằng em đang mất đi một điều gì đó rất quý giá và những giọt nước mắt giúp em cảm thấy nhẹ lòng hơn.

Lắng nghe con một chút thôi, bố nhé!

Vài tháng sau khi về nhà chung với mẹ kế, bà vú cũng bị cho thôi việc. Vậy là, cái vòng tay êm ấm duy nhất em có thể nương tựa, người duy nhất lắng nghe em cũng không còn nữa. Em có bố… nhưng bố bận lắm! em không dám làm phiền bố vì em là một em bé ngoan. Từ ngày bà vú không bên cạnh, mọi công việc nhà mà trước đây bà vú hay làm đều đã có em thay thế.

Em làm việc thay cho bà vú: nào là hút bụi, lau nhà, giặt áo quần,…Em không thấy khó khăn nhiều với những việc này. Nhưng điều khiến em ám ảnh và đau khổ nhất chính là việc luôn bị mẹ kế mắng nhiếc và đánh đập. Hàng xóm của em đã quá quen với tiếng la khóc thảm thiết của em và tiếng đòn roi của mẹ kế.

Chỉ có giờ học là em mới nguôi việc nhà nhưng không đồng nghĩa là em sẽ được yên ổn hay được lắng nghe nhiều hơn: khi thì mẹ kế la mắng, khi thì mẹ đập đồ đạc trong nhà. Sự cô độc bao trùm lấy em và em co ro trong căn nhà lạnh lẽo, không chút tình thương. Giá như mà ai đó có thể cho em biết em đã làm gì sai? Hay vì do em là con riêng của bố?

xin hay lang nghe con
Bảng công việc nhà của em – những vất vả mà không một ai có thể lắng nghe

Có mấy lần bị mẹ kế đánh đến mức phải đi khâu vết thương, em đau lắm! em thút thít cùng bố nhưng bố chẳng buồn lắng nghe. Bố cho rằng em sai và đồng tình với cách đòn roi của mẹ kế; rồi sau đó chính bố cũng dùng đòn roi để răn đe em. Giá mà có bà vú để em khóc cùng bà, để bà lắng nghe những điều em nói hoặc may mắn hơn, thì có mẹ, mẹ ôm em và giải thoát em khỏi những tháng ngày tăm tối của cuộc đời.

Lắng nghe tiếng kêu cứu của con- sao không một ai?

Một ngày cuối tháng 12 đầy u ám, mẹ kế dùng một cây gỗ to tác động vào thân thể em, mẹ còn lấy chân đạp mạnh vào ngực, vào mông; mẹ dùng hết sự căm ghét để đánh em như một con hổ dữ. Nhưng hổ dữ cũng đâu có ăn thịt con mình? Hay là vì mẹ không sinh ra em, em không phải con mẹ và em đáng bị đối xử như vậy sao? Hai tay em bị trói chặt để bắt đầu giờ học online trong sự đau khổ tới tột cùng. Em đang bị tra tấn hoặc là đại loại như thế, tuyệt đối không phải là dạy dỗ.

xin hay lang nghe con
Em bị bạo hành mà không một ai lắng nghe em (ảnh minh họa).

Buổi đó trong lớp học online không ai là không nghe tiếng gào chửi, đánh đập của mẹ kế, các bậc phụ huynh và cả các bạn đều nghe thấy, mọi người thắc mắc nhiều nhưng không ai lưu tâm và có thiện chí giúp đỡ em. Và… đó cũng là buổi học cuối cùng, lần cuối cùng mọi người phải nghe tiếng khóc nghẹn đau đớn của em.

Em đã ra đi vì sự bạo hành của mẹ kế và sự thiếu lắng nghe của người bố. Bỏ lại phía sau là một tuổi thơ, là trang vở trắng, là những hoài bão, là những nỗi niềm chất chứa uất ức bấy lâu vẫn chưa kịp thành câu.

Có Người lắng nghe- mọi thứ dần trở nên nhẹ nhàng hơn.

Người lớn, những bậc làm cha mẹ luôn cho rằng mình rất yêu thương con; họ luôn cố gắng tất bật để lo cho con đầy đủ về mặt vật chất. Tuy nhiên, thế giới nội tâm- điều cốt lõi quyết định sự phát triển của con trẻ thì thường bị xem nhẹ. Xin đừng áp đặt việc vì con còn bé, nên những câu chuyện con kể, những lời con tâm sự không đáng để lắng nghe và lưu tâm. Đôi khi chính sự hời hợt của người lớn lại mang tính sát thương cao cho những em bé có tâm hồn nhạy cảm.

Bất cứ chúng ta, ai cũng có nhu cầu được trải lòng, được có người lắng nghe và đồng cảm cùng mình; trẻ con cũng vậy. Ở mỗi độ tuổi tồn tại một mối lo riêng và chúng ta không có quyền phán xét mối lo đó; điều đơn giản chúng ta nên làm là lắng nghe và chia sẻ bằng tất cả sự chân thành, đồng cảm.

Trở lại với câu chuyện của em bé N.T.V.A, nếu em có một người bố biết lắng nghe thì mọi chuyện có lẽ đã rẽ sang một hướng khác tươi sáng hơn. Nhưng cuối cùng, em đã không may mắn có được điều đó. Chúng ta trách mẹ kế về sự nhẫn tâm bao nhiêu thì lại càng trách sự hời hợt của người bố bấy nhiêu. Giá như ngày đó, em tìm được người lắng nghe và đưa tay ra bảo vệ em trước những ngày tháng tăm tối kia!

chung ta ai cung can nguoi lang nghe
Hãy để người lắng nghe giúp bạn giải tỏa những nỗi niềm.

Trong xã hội hiện đại, việc kết hôn rồi ly hôn không còn quá xa lạ; chính vì vậy những trường hợp mẹ kế- con chồng cũng không còn là một chủ đề mới. Biết rằng, mỗi người đều có một nỗi niềm riêng, cả người mẹ kế cũng vậy. Nhưng xin đừng đem những nỗi lòng ấy “đổ” lên con trẻ. Nếu bạn có sự uất ức, trăn trở thì hãy tìm người lắng nghe, đừng để bản thân mình trở thành một con quái thú và đừng khiến những người vô tội phải chịu đựng hậu quả của những uất ức, trăn trở đó.

Dù bạn làm gì, bạn có hoàn cảnh ra sao…bất cứ khi nào cảm thấy nội tâm mình chứa quá nhiều sự tiêu cực thì hãy tìm người lắng nghe- nơi mà bạn sẽ tìm được sự đồng cảm chân thành. Tin chắc rằng, mọi cơn thịnh nộ đều có thể được hóa giải khi chúng ta có thể tìm được cho mình một người lắng nghe ấm áp.

Hơn nữa, nếu bạn đang ở trong hoàn cảnh khốn cùng như trường hợp của bé N.T.V.A, mọi uất ức không có ai chia sẻ hay phải sống trong sự “giày vò” của người khác; thì việc tìm người để lắng nghe là vô cùng cấp thiết, xin đừng để mọi thứ trở nên muộn màng và xin đừng để phải nói “giá như năm đó, có được người lắng nghe”.

Như Vy

Bài viết liên quan

Trả lời