Tết lắng nghe, Tết trải lòng, vẫn khắc khoải trong tôi

Sài Gòn vừa gượng dậy sau cơn bạo bệnh, cũng là lúc Tết cổ truyền sắp khai hoa. Một năm gian nan cả về tinh thần, sức lực, và niềm hy vọng. Với một người đàn ông gần tứ tuần như tôi, tâm trạng đón Tết càng nghe trĩu nặng hơn bao giờ hết khi phải đối mặt với bao lo toan cơm áo gạo tiền sau ngày Tết, chẳng thể chia sẻ, chẳng ai lắng nghe.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Tôi sinh ra tại mảnh đất miền Trung sỏi đá, học hết cấp ba, tôi vào Sài Gòn hoa lệ, vừa học vừa làm với hy vọng về tương lai ổn định hơn cho mình, cho gia đình và cho con cái sau này nữa.

Tốt nghiệp ngành du lịch, tôi xin vào một công ty lữ hành, hân hoan khi mình được làm việc một trong những ngành nghề thế mạnh tại Sài Gòn. Công việc cứ thế trôi qua, hơn mười năm gắn bó cùng những đoàn khách trong và ngoài nước, thu nhập dần cải thiện, cuộc sống gia đình riêng với vợ đảm đang, con gái ngoan ngoãn như tiếp thêm động lực làm việc cho tôi mỗi ngày.

Dịch Covid như cơn đại hồng thủy của ngành du lịch

Ngày dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, anh em cùng nghề đã có những tiên lượng không mấy khả quan, tôi vẫn ráng trấn an mình “chắc dịch cũng sẽ nhanh qua, như thời dịch SAR trước đây thôi”. Ấy vậy mà cơn “đại hồng thủy” Covid-19 đã càn quét ngành du lịch lữ hành không sót một ngóc ngách nào. Những người nhiều kinh nghiệm như tôi cũng chịu chung một kết cục – thất nghiệp.

Khi Sếp thông báo công ty phải đóng cửa, tâm trạng tôi rối bời, những câu hỏi cứ liên tục xuất hiện trong đầu ” sắp tới gia đình tôi sẽ sống thế nào, kiếm đâu ra thu nhập, liệu có công ty lữ hành nào còn tuyển người không, khoản trả góp căn hộ biết tính sao…?”

Tất cả dày vò tâm trí tôi suốt bao đêm dài, rất muốn tìm người lắng nghe để thổ lộ nhưng tìm ai đây? Vợ tôi cũng đang vất vả níu kéo công việc của một nhân viên thu ngân tại quán ăn, gia đình hai bên chẳng thể hỗ trợ được về tài chính, bạn bè đồng nghiệp cũng đang mệt mỏi lo toan như tôi. Một mình tôi phải giữ chặt mọi nỗi suy tư đến cùng cực, muốn vứt hết, muốn dứt bỏ hết nhưng trách nhiệm của người đàn ông trụ cột gia đình không cho phép tôi được làm vậy.

Phong tỏa Sài Gòn – đòn chí mạng cho những mảnh đời chênh vênh

Để có nguồn thu nhập mới, tôi chấp nhận chạy xe ôm, bốc vác thuê, chỉ cần đảm bảo được nguồn sống cho gia đình nhỏ là tôi đã cảm thấy mãn nguyện rồi. Nhưng rồi, một cú “knock out” đã xuất hiện như muốn tước đi mong muốn nhỏ nhoi đó – Sài Gòn phong tỏa, giãn cách xã hội hơn 3 tháng liền.

Cực chẳng đã, tôi đành phải dùng bớt phần tiền tiết kiệm để trang trải chi phí, trả góp tiếp căn hộ. Những bó rau, cọng hành, miếng đậu hũ… của chính quyền và mạnh thường quân đã trở thành cứu cánh cho gia đình tôi suốt khoảng thời gian đó.

cô đơn ngày Tết ai lắng nghe
Mất việc, mất thu nhập, bao nỗi lo toan không thể tỏ bày

Đón chào thời khắc giao mùa mà sao lòng chẳng hân hoan

Ngày Sài Gòn mở cửa trở lại, tôi và nhiều người cứ nghĩ chúng tôi sẽ rất hân hoan, sẽ đánh trống reo hò, nhưng thực tế lại khác, âm thầm và đầy trầm mặc. Có lẽ những bất an quá lớn về tương lai đã vùi lấp niềm vui đó.

Tiết trời sang Xuân đã có chút se lạnh, phố phường tấp nập hơn với những dòng xe ngược xuôi chở những chậu hoa ngày Tết. Tết vẫn đến, vẫn gợi sắc Xuân nhưng sao trong khóe mắt,nụ cười đã không còn rạng rỡ, háo hức như những mùa Tết trước.

Thu nhập năm qua gián đoạn liên tục theo những đợt phong tỏa, đã không còn sự mặn mà đón Tết trong tôi nữa, thay vào đó là những vội vã, lo toan để có thêm chút thu nhập trước khi năm cũ khép lại.

Nụ cười và tâm hồn đã không còn đồng điệu

Phố lên đèn, báo hiệu một ngày tất bật sắp qua đi. Những hàng quán bên đường còn trụ được sau dịch trở thành nơi dừng chân tư lự, mang lại khoảng không gian riêng cho những tâm hồn nhiều trăn trở. Trong đó có tôi.

Vợ con tôi về quê ngoại ăn Tết, còn tôi thì ở lại Sài Gòn, chạy thêm xe ôm khi có khách và coi sóc nhà cửa. Với nhiều người, lâu lâu được một mình, sẽ hẹn bạn bè trà dư tửu hậu, không say không về, nhưng với tôi, lúc này đây, tôi cần một người lắng nghe và thấu hiểu, một người có thể cảm nhận những vất vả, đắng cay mà tôi đang chất chứa tận tâm can.

Tôi luôn phải cố tỏ ra mạnh mẽ để trấn an tinh thần vợ con vì tôi biết vợ tôi cũng đã quá nhiều áp lực, tôi phải chấp nhận những trách móc vô cớ để giữ công việc, mệt cũng không dám than thở, buồn cũng không dám sẻ chia, để rồi quay mặt đi là nụ cười tắt lịm, là cái cắn chặt môi để không bật lên tiếng nấc nghẹn ngào.

Khắc khoải, mong chờ người lắng nghe ta

tim-nguoi-lang-nghe-co-don-ngay-tet-2
Nếu có được người lắng nghe “lạ” nhưng có thể “tin” thì thật tốt biết bao.

Tấp xe vào một quán nhỏ gần nhà, tôi chọn một bàn nhỏ và một góc khuất yên tĩnh. Một mình, tôi nào muốn, nhưng so với việc tham gia vào những câu chuyện cười nói sáo rỗng, vô thưởng vô phạt cùng những người không hiểu mình, tôi thà chọn một mình, tự thả hồn theo dòng suy nghĩ.

Có lẽ lúc này hơn ai hết, tôi hiểu có được một người bạn có thể lắng nghe, đồng cảm, không chê bai, dè bỉu hay phán xét đúng sai quan trọng biết dường nào. Đàn ông chúng tôi cũng có những lúc mệt mỏi lắm, cần ai đó cho mình sự tin tưởng để có thể yếu đuối một chút nhưng lại thật khó để chọn những người thân hay bạn bè quen để tỏ bày. Nếu có được người lắng nghe “lạ” nhưng có thể “tin” thì thật tốt biết bao.

Sài Gòn về khuya, những phận đời mưu sinh vẫn ngược xuôi, thành phố vẫn hoa lệ, nhưng có lẽ năm nay, “lệ” đã không còn dành riêng cho người nghèo nữa. Một năm cũ đã vậy, năm mới biết sẽ ra sao. Đồng hồ điểm 23 giờ đêm, tôi rời quán, thất thểu chậm rãi về căn phòng trọ, đoạn đường vẫn vậy nhưng hôm nay sao đi cùng “nỗi buồn” lại thấy xa quá, có ai lắng nghe tôi cho “đoạn đường” nơi cõi lõng bớt xa xăm không?

Bài viết liên quan

Trả lời