Lắng nghe câu chuyện Tết xa của 1 người con xa xứ

Một trong những thành phố đô hội nhất của Hàn Quốc- thành phố Incheon xinh đẹp và phồn thịnh. Nơi đây tập trung đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống, và ở đó tôi có nhiều đồng bào Việt Nam thân quen coi tôi như anh em. Nhưng cái cảm giác trải qua những ngày Tết khi bên họ thật lạ. Nó không đầy đủ cái tình và sự ấm áp như khi ở bên gia đình của tôi. Mặc dù nhận được sự lắng nghe từ họ, nhưng cải cảm giác trống trải ấy vẫn chưa thực sự được lấp đầy…

Có gì khó mang về gia đình lo 

Lắng nghe câu chuyện Tết xa của 1 người con xa xứ
Gói bánh chưng Tết- thời điểm tôi được lắng nghe trong năm (hình minh họa)

Những năm tháng đi học đại học tôi sẽ được về nhà vào đêm 22 tháng chạp âm lịch và bắt đầu nghỉ Tết bằng việc xách giỏ cho mẹ đi chợ mua đồ cúng ông Táo và thả cá chép vàng đi. Những ngày tiếp theo đó chắc chắn là dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, tất bật mua sắm mai đào, đèn trang trí để mong chờ đêm giao thừa quây quần với quần áo đẹp, ngắm pháo hoa nở rộ trong đêm giao thừa. 

À còn không quên 25 và 26 Tết về quê nội gói bánh chưng cùng ông bà, trông nồi bánh chưng, hơ tay trên bếp củi để sưởi ấm những ngày đông giá rét, cùng chia sẻ cho nhau nhiều câu chuyện mình đã gặp trong năm vừa qua để giải tỏa  cũng như tránh ngủ quên lỡ nồi bánh chưng cạn nước. 

Một tập tục của nhà tôi đấy là từ con cho đến cháu đêm 25 Tết đều sẽ phải ngồi cùng nhau trông nồi bánh chưng năm mới, “buôn dưa lê” cùng nhau cho đến sáng. Bà nội tôi nói đùa là làm như thế là để tránh câu chuyện “một người làm cả đoàn hưởng”. Còn với tôi đây là lúc để tôi được lắng nghe muộn phiền cũng như khoe khoang thành tích mình đạt được với đại gia đình, cũng là phút giây yên bình nhất trong năm mà tôi có. 

Mang gì về để nói với gia đình? 

Lắng nghe câu chuyện Tết xa của 1 người con xa xứ
Mang tâm sự về chia sẻ để được gia đình sẻ chia (hình minh họa)

Hằng năm tôi soạn ti tỉ thứ về để kể với gia đình. Đại học- từ đây hành trình trưởng thành chỉ mới bắt đầu mà thôi. Năm đầu đi học, xa nhà lần đầu tiên, sống một mình giữa thành phố không có gì thân thuộc, sự cô đơn, lạc lõng và sốc văn hóa ắt hẳn không tân sinh viên nào không trải qua. Ngày được nghỉ Tết cổ truyền, tôi đặt vé xe ngay trong đêm để về nhà, về kịp đêm 25 tết được ngồi bên nồi luộc bánh chưng được bà và mẹ lắng nghe uất ức, cô đơn của năm đầu đại học đầy khó khăn khi khó làm quen bạn mới ở môi trường mới. 

Năm thứ 2, tôi học theo các bạn đồng trang lứa đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập. Tôi nghe nói rằng đi làm thêm sẽ “khôn ra”, ừ thì đúng là khôn thật nhưng cái giá để trả cho những bài học “dạy khôn” cũng khá là đắt. Bắt đầu từ công việc gia sư tôi và đứa bạn cùng phòng cùng bị lừa mất 1 triệu tiền cọc vì đăng ký đi dạy cho một trung tâm thuê gia sư ma. Sau đấy thì là mất thời gian không thể đi học tiếng anh vì “đam mê” kiếm tiền chạy ca tối cho cửa hàng pizzahut. Làm ca tối miệt mài bưng bê đến 10 giờ tối mới tan làm còn đâu thời gian cho học tập nữa. Kết quả học tập cả kỳ hai của năm 2 khiến tôi không hài lòng. Đi làm và học tập, thiếu thời gian ăn uống ngủ nghỉ đầy đủ vì chỗ tôi làm thêm khá xa trọ, tôi gầy đi trông thấy. Nhưng Tết đấy cũng không dám nói hết cho bà và mẹ biết, một phần sợ bị mắng, mười phần sợ mọi người lo cho tôi. 

Năm 3 và năm cuối đại học tôi chuyển sang công việc viết lách để kiếm thêm thu nhập phụ giúp ba mẹ chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Hà Nội. So với những công việc bưng bê trước đó của tôi thì công việc này giúp tôi có nhiều thời gian học hơn. Thế nên tôi quyết tâm sau khi học đại học thì học tiếp lên bậc thạc sĩ cũng coi như trải nghiệm sống tại nước ngoài.

Tất nhiên những dự định của tôi cũng được bà và mẹ lắng nghe, chia sẻ, rồi khích lệ. Thật là hạnh phúc khi hành trình trưởng thành của tôi luôn có gia đình đồng hành, lắng nghe và khích lệ. 

Đón Tết xa nhà, nỗi nhớ gia đình 

Lắng nghe câu chuyện Tết xa của 1 người con xa xứ
Đón Tết xa nhà- Nỗi cô đơn khó người lạ nào đồng cảm được (hình minh họa)

Sang học tại đại học thuộc thành phố Incheon- một trong những nơi phồn hoa bậc nhất Hàn Quốc, cộng đồng người Việt tại đây cũng rất nhiều, lúc tôi xin đi làm thêm thì có quen rất nhiều người Việt giống như tôi sang đấy để du học. Đều cùng là sinh viên năm nhất theo học tại trường nên Tết cổ truyền năm ấy chúng tôi không thể về quê ăn Tết bởi Hàn Quốc không mừng dịp lễ Tết Âm lịch này lớn như Việt Nam. 

Mặc dù không được về quê nhưng chúng tôi vẫn cố gắng mang cái Tết Việt sang đất Hàn để đỡ nhớ quê nhà. Đi mua phụ kiện về làm đồ trang trí trong nhà cho ngày Tết, mua nguyên liệu về làm bánh chưng. Giống như ngày 25 ở quê nội tôi, tôi cũng được gói bánh và “buôn dưa”. Rồi đến đêm trông nồi bánh chưng chín cũng cùng những đồng hương đã quen tại Hàn nói về những khó khăn khi đi làm thêm ở một đất nước xa lạ. Chia sẻ về những điều khó khăn khi sinh sống tại Hàn đã gặp phải để mọi người cùng lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Sẵn mang tâm sự, cần được lắng nghe, tôi muốn nói hết bộc bạch ra hết. Thế nhưng, lý trí mách bảo tôi, cảm giác thân quen giữa họ và tôi theo thời gian quá ngắn ngủi, vậy nên tôi có chia sẻ nhưng không “triệt để”. 

Lúc bánh chưng chín cũng là lúc chúng tôi kết thúc buổi trò chuyện, thống nhất với nhau sẽ quên đi cái không may của năm cũ đón năm mới với nhiều phát triển tích cực ở nơi xa xứ. 

Được lắng nghe nhưng chưa đủ thấu hiểu 

Lắng nghe câu chuyện Tết xa của 1 người con xa xứ
Được lắng nghe nhưng chưa đủ thấu hiểu (hình minh họa)

Mang hết tâm tư cảm xúc của mình tại Hàn Quốc nói ra cho đồng hương, rồi nhận lại nhiều lời khuyên quý giá nhưng không hiểu sao, trong tôi, vẫn còn chút gì đó chưa thỏa mãn. Nó không đủ ấm như lúc tôi được ôm nội tôi kêu ca chuyện đi làm thêm cực khổ. Nó cũng không đủ thấu hiểu như lúc tôi được mẹ tôi khích lệ. Đúng hơn là tôi cảm thấy chưa thực sự được lắng nghe, tâm sự được nói ra nhưng cảm giác nói với những người lạ chưa đủ hiểu tôi, chưa có nhiều sự từng trải ấy, nó không thấy “đã”. 

Tôi có lúc cũng đã rất muốn gọi điện về nhà, khóc lóc kể lể với ba mẹ, với nội những khó khăn tại Hàn, bởi thậm chí ngày 30 Tết tôi vẫn phải tăng ca đến muộn mới về mà không có thưởng Tết như ở Việt Nam. Rồi muốn nói riêng với nội tôi là tết bên này chán lắm, không sum vầy như nhà mình, ăn Tết xa nhà chẳng vui chút nào. Thế nhưng khi nghe những thanh âm lo lắng khi hỏi han tôi bên này Tết lạnh không, ăn Tết như thế nào, tôi lại không thể thốt lên được tâm sự của mình, nói dối rằng mình vẫn ổn, Tết bên này anh em làm không khác gì Tết quê…. 

Lắng nghe câu chuyện Tết xa của 1 người con xa xứ
Liệu có ai cho tôi cảm giác ấm áp như được lắng nghe bởi gia đình? (hình minh họa)

Tôi cần một người lắng nghe tôi như gia đình mình, nơi khiến tôi yên tâm giao hết mọi bí mật sâu nhất trong tâm hồn tôi ra. “Kiểu cách lắng nghe” này mới khiến tôi thấy thỏa mãn, với có thế vét sạch tiêu cực đổ ra bên ngoài, rồi lấp đầy lại bằng lời khuyên và sự khích lệ. Liệu nơi đất khách này tôi có thể tìm được một người như thế hay không? 

Tố Trân

Bài viết liên quan

Trả lời