Những điều cha chưa kể

Người đàn ông loanh quanh trước cổng Bưu điện Thành phố giữa cái nắng tháng bảy tháng tám của Sài Gòn, trên tay cầm chiếc máy ảnh đã cũ đi theo năm tháng. Năm nay ông đã gần tám mươi, cái tuổi đáng lẽ nên hưởng thú điền viên nhưng vẫn phải chật vật nơi đất khách để mưu sinh. Cả đời người cha này lam lũ, nay đến tuổi xế chiều không biết các con có hiểu cho những hy sinh của ông.

Người Lắng Nghe Những điều cha chưa kể
(Hình minh họa)

Gà trống nuôi con nơi đất khách

Từ khi ông tìm thấy người phụ nữ của đời mình, người cho ông một tổ ấm và ba đứa con ngoan, ông cảm thấy đời này đã quá đổi viên mãn. Nhưng ai biết trước được chữ “ngờ”, sau khi người vợ thân yêu ra đi vì bạo bệnh, ông chịu cảnh gà trống nuôi con.

Gác lại nỗi đau, người đàn ông với trách nhiệm trên vai lại lên đường đến nơi đất khách kiếm tiền nuôi con. Cuộc đua cơm áo gạo tiền với ông chưa bao giờ dễ dàng, nhiều lần gặp tai nạn, ông đau thấu tận tâm can, vậy mà khi các con gọi điện đến ông vẫn cố gắng cười nói, che giấu đi những tổn thương và tủi nhục khi một mình lăn lộn giữa cuộc đời. Người làm cha sao đành lòng để con mình lo lắng, thôi thì ông chịu đựng thêm chút nữa để con được chăn ấm nệm êm, được vô lo vô nghĩ đúng với lứa tuổi của mình. Chỉ mong khi các con trưởng thành, hãy thấu hiểu cho những năm tháng người cha này không cận kề yêu thương che chở, dạy dỗ các con nên người.

Người Lắng Nghe Những điều cha chưa kể
(Hình minh họa)

Một đời lo cho con 

Khi các con lớn lên, dựng vợ gả chồng, có cuộc sống riêng, căn nhà nhỏ và mảnh vườn ở quê ông đem chia đều cho các con làm vốn liếng. Phần mình ông chẳng lấy và tiếp tục lao động kiếm chút rau cháo tuổi già. Người làm cha sao đành để con nuôi mình khi chúng nó còn cực khổ trăm bề. Vậy là từ tài xế rồi buôn bán, đến nay đã bát tuần, ông vẫn tự nuôi thân mình bằng nghề chụp ảnh. Đội trời nắng để chụp cho khách những tấm hình với giá chỉ vài chục nghìn đồng thế mà trong đôi mắt người đàn ông già nua luôn  ánh lên một niềm vui nho nhỏ.

Nhưng cuộc sống này vốn dĩ lao đao, dịch bệnh vừa qua khiến việc chụp ảnh ế ẩm, tiền ăn không đủ huống gì là thuốc than. Một mình ông sống trong căn phòng trọ nhỏ hẹp, may mắn được vị chủ đồng cảm với hoàn cảnh neo đơn nên ông được miễn cho tiền thuê nhà, vậy mà vẫn cứ thiếu thốn đủ bề. Thiếu tiền bạc và thiếu cả tình cảm gia đình, giữa chốn phố thị ồn ào nhưng không lấy một người bên cạnh chăm sóc, nhiều lúc nước mắt lưng tròng, ông nhớ con, nhớ quê, ông mơ ước có được căn nhà để gia đình đoàn tụ trước lúc nhắm mắt xuôi tay. Nhưng đường đời của con còn lắm gian nan, ông nghĩ thầm nếu mình đã hy sinh hơn nửa đời người thì chịu thêm chút nữa cũng có là bao. Cho đến khi không còn sức lao động, ông mới tính tới chuyện nương nhờ con cháu.

Nay phố xá đã tấp nập trở lại, người đàn ông với chiếc máy ảnh trên tay lại giúp khách du lịch có nhiều bức hình kỷ niệm về Sài Gòn, về người thợ chụp ảnh da rám nắng và đôi mắt sáng ngời khi khoe mấy tác phẩm của mình. Biết rằng sẽ có những lúc buồn tủi, ông vẫn tin sự hy sinh của mình là xứng đáng, mai này con cái sẽ thành công, gia đình êm ấm, đó chính là tâm nguyện lớn nhất trước khi ông về với đất trời. Ông chỉ mong tuy xa mặt nhưng các con vẫn thấu hiểu được tấm lòng, sự đánh đổi cả đời của mình để cho các con cuộc sống đầy đủ, mong các con quý trọng thời gian gia đình còn ở bên nhau, và mong tại khoảnh khắc cuối đời, ông vẫn nhìn thấy được tất cả người thân đưa tiễn mình đoạn đường cuối cùng.

Cẩm Tú

Bài viết liên quan

Trả lời