Người nữ cựu chiến binh – Người Lắng Nghe và những hồi ức không quên

Người Lắng Nghe Người nữ cựu chiến binh - Người Lắng Nghe và những hồi ức không quên
Tri ân Ngày Thương binh, Liệt sĩ

Có những lớp người đã dành trọn thanh xuân đi theo tiếng gọi của tổ quốc, của non sông, đã sống và chiến đấu để viết tiếp lên những bản hùng ca bất tử trên quê hương, cho dân tộc, cho nhân dân Việt Nam. Lắng nghe những câu chuyện và đôi lời tâm sự trải lòng của người nữ cựu chiến binh trong thời bình để thêm nhiều lần và mãi tri ân họ trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ.

Người Lắng Nghe Người nữ cựu chiến binh - Người Lắng Nghe và những hồi ức không quên
Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ

Nữ quân nhân tuổi 17

Lắng nghe chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh, thường được mọi người gọi bằng tên thân mật là Bà Tư (sinh năm 1948, hiện đang sinh sống tại quận Gò Vấp) kể về thời gian tham gia quân ngũ của chính mình. Theo lời bà Tư kể lại, vào mùa xuân năm 1965, bà Tư cùng với hàng nghìn thanh niên Gia Định lên đường nhập ngũ với nhiệt huyết của những người thanh niên trẻ. Lớp lớp thanh niên thế hệ của bà khi ấy đã bỏ lại bao hoài bão tuổi đôi mươi đẹp đẽ nhất của mình để hiến dâng tuổi trẻ và đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Dù đã hơn nửa thế kỉ trôi qua, nhưng trong ký ức bà chưa bao giờ quên được những năm tháng hào hùng ấy.

Người Lắng Nghe Người nữ cựu chiến binh - Người Lắng Nghe và những hồi ức không quên
Hình ảnh đời thường của “người chiến sĩ già”

Bà nhập ngũ năm 17 tuổi. Bước vào chiến trường bom đạn khói lửa đồng nghĩa với việc đối mặt với sự hi sinh, nhưng trước tội ác của kẻ thù, chứng kiến nhiều sự mất mát đau thương của đồng đội, bà không cho phép bước chân mình chùn xuống, cảm xúc duy nhất lúc đó chính là lòng yêu nước. Hồi tưởng về những khó khăn trong suốt khoảng thời gian chiến đấu, bà cùng những người đồng đội dù ngụm nước chia nhau, nhường nhau từng miếng rau rừng, nhưng tinh thần và ý chí của người chiến sĩ quân đội nhân dân chưa khi nào chùn bước.

Người chiến sĩ, Người quân y và là Người lắng nghe trong quân ngũ 

Khi được hỏi về kí ức chiến đấu cùng với những người đồng đội của mình, bà Tư đã không giấu khỏi những cảm xúc nghẹn ngào khi nhớ về những người đồng đội đã cùng kề vai sát cánh nơi chiến trường khốc liệt năm đó. Nơi bà đã từng tự tay chôn cất người đồng đội, người bạn thân và hơn cả là những người mà bà xem là gia đình của mình.

Qua lời kể, được biết bà Tư là chiến sĩ quân y cho đơn vị mà mình đóng quân. Bà đã tiếp xúc qua không biết bao những thương binh, những chiến sĩ bị thương do bom đạn của giặc. Và cứ mỗi trường hợp như thế, bà lại là Người Lắng Nghe, là người được lắng nghe những câu chuyện từ những người được bà sơ cứu, chữa trị. Cũng không biết từ khi nào bà lại trở thành một người lắng nghe cho những người chiến sĩ, góp phần xoa dịu nỗi đau cơ thể họ do bom đạn giặc gây ra.

Những câu chuyện bà được lắng nghe từ thương binh là những chuyện về gia đình, chuyện tình cảm của những người chiến sĩ. Nhưng sau cùng, ở họ, bà vẫn luôn cảm nhận được ý chí mạnh mẽ của người chiến sĩ khi đối diện với những vết thương do bom đạn giặc gây ra trên cơ thể.

Bà xúc động khi chia sẻ về câu chuyện của một anh chiến sĩ đem lòng thương cô y tá quân y, nhưng vì một lần bị địch bắt và tra tấn tàn ác, anh đã không may mắn vượt qua và rồi chuyện tình của họ cứ mãi dang dở mà không thể thành đôi. Chiến tranh tàn khốc đã chia cắt biết bao hoàn cảnh: cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con cái mất cha… và còn để lại những nỗi ám ảnh cứ mãi day dứt khôn nguôi trong kí ức của người cựu chiến binh mỗi lần nhớ về.

Người Lắng Nghe Người nữ cựu chiến binh - Người Lắng Nghe và những hồi ức không quên
Tấm bằng khen danh giá được bà giữ cẩn thận

Khi xin phép bà cho xem lại những kỉ vật thời chiến của mình thì được bà chia sẻ rằng: “Thanh niên ngày đó được lành lặn trở về từ chiến trường đã là một điều may mắn rồi, bà không có ý định giữ lại những kỉ vật thời chiến, cũng vì nó gợi đến những kỉ niệm đau thương nơi chiến trường”.

Người Lắng Nghe Người nữ cựu chiến binh - Người Lắng Nghe và những hồi ức không quên
Cả nước hướng về Ngày Thương binh, Liệt sĩ

Lần đầu tiên được lắng nghe những câu chuyện, những hồi ức từ một người cựu chiến binh – nhân chứng sống của lịch sử, đã để lại trong tôi biết bao cảm xúc. Tôi xúc động với những câu chuyện về ý chí của người lính, trân trọng về những hi sinh của họ cho đất nước, cho dân tộc. Và vì thế trong tôi càng mãnh liệt hơn một tình yêu nước thiết tha. Dù là thời chiến hay thời bình, những “người chiến sĩ già” ấy vẫn luôn lắng nghe, luôn chia sẻ về những đau thương, mất mát họ phải trải qua để từ đó càng thêm biết ơn với những gì chúng ta đang có được ngày hôm nay. “Trong thời hoà bình như hiện tại, bà không mong gì hơn ngoài việc thế hệ trẻ hãy luôn học tập và làm việc thật tốt để xây dựng đất nước phát triển hơn bây giờ…” bà Tư nhắn nhủ!

Phương Anh

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận