
Một buổi chiều đầu tháng 8, thông tin về 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC hi sinh sau khi cứu 8 người dân ra khỏi đám cháy ở một quán Karaoke tại Quận Cầu Giấy, Hà Nội đã khiến cả nước xót thương và cảm phục. Xúc động trước sự hi sinh này, ở Đà Lạt, một bức tranh vẽ cảnh 3 người chiến sĩ đang lao mình vào ngọn lửa và cứu một em bé đã gây xúc động cho những người đi đường, trong đó có Người Lắng Nghe.
Lắng nghe nỗi đau của đồng đội và gia đình của các chiến sĩ đã hi sinh
Chiều ngày 1/8, khi đọc được tin tức về 3 chiến sĩ công an chữa cháy đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, người dân cả nước đều bàng hoàng, đau xót và thương tiếc cho sự hi sinh. Đối với gia đình các anh, có lẽ không có từ ngữ nào có thể diễn tả hết được nỗi đau và sự mất mát này. Hình ảnh gia đình các anh gào khóc, ngất xỉu trước hung tin rằng người chồng, người cha, người con của 3 gia đình từ nay sẽ không trở về nữa, có lẽ sẽ mãi ám ảnh trong tâm trí của tôi. “Chúng tôi đã cứu được người dân, nhưng đã mất đi đồng đội” – Đồng đội của các anh nói trong nước mắt và sự nghẹn ngào, nỗi đau mất đi đồng đội là quá lớn. Lần đầu tiên tôi đã khóc vì những người mình chưa từng một lần gặp.

Lắng nghe nỗi đau được san sẻ khắp mọi nơi
Ở Thành phố Đà Lạt, tôi cũng cảm thấy được không khí buồn thương đang bao trùm quán cafe tôi đang ngồi làm việc. Mọi người nói nhiều về lòng quả cảm, về những gì các anh đã làm để bảo vệ nhân dân, nhiều người đã rơi nước mắt khi nói chuyện về các anh. Lúc này tôi biết và cảm nhận được rằng, mọi người dân Việt Nam cũng đang san sẻ nỗi đau và sự mất mát này cùng với gia đình và đồng đội của các anh.

Bức tranh tưởng niệm xúc động và thông điệp đầy ý nghĩa
Tại đường Thông Thiên Học, Phường 2, TP. Đà Lạt, gia đình cô Đinh Thị Thu – một hộ gia đình kinh doanh thiết bị chữa cháy. Hơn ai hết gia đình cô hiểu được những khó khăn, vất vả của nghề chữa cháy. Do đó, gia đình Cô Thu đã quyết định thuê hoạ sĩ Nguyễn Anh Sinh, khắc hoạ lại hình ảnh 3 anh chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngay chính trên bức tường nhà mình. Vừa là để tưởng niệm sự hi sinh cao cả của các anh, vừa là để muốn nhắc nhở người dân hãy nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy để không còn sự hi sinh đáng tiếc nào sảy ra trong tương lai.

Bức tranh được vẽ bằng chất liệu Arcylic (sơn nước) trên bức tường cao tầm 3m, rộng tầm 4m. Với phông nền đỏ rực của ngọn lửa, làn khói xám đen nghi nghút, đan xen lẫn nhau. Nổi bật lên đó là hình ảnh 3 người chiến sĩ PCCC đang mặc trên mình thiết bị bảo hộ, vòi chữa cháy, lao thẳng vào ngọn lửa và một trong số đó thì đã cứu được một em bé.
Một bức tranh chân thật, cảm xúc và rất ý nghĩa, khiến không ít người xúc động phải dừng chân và ngắm nhìn thật lâu. Tôi lặng lẽ đứng trước bức tranh cao lớn, lắng nghe mọi người xung quanh nghẹn ngào cảm ơn các anh, rồi lại cảm ơn tác phẩm của cô Thu và các anh em hoạ sĩ.
Có người nước mắt rưng rưng, đứng cúi chào các anh. Có người dừng lại ngắm nhìn thật lâu, chụp một vài tấm ảnh rồi lặng lẽ rời đi với vẻ mặt buồn thương, nghẹn ngào. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được tinh thần dân tộc và tình người nhiều đến như vậy khi đứng ở đây.

Bức hoạ này của anh em hoạ sĩ Nguyễn Sinh Anh đã khơi gợi viễn cảnh 3 người chiến sĩ hiên ngang, dũng cảm quên thân mình để cứu người trong ngọn lửa trước giờ phút hi sinh. Hình ảnh đó hiện rõ trước mắt khiến tôi thấy mắt thật cay và tim thì như bị bóp chặt.
Các anh đã ra đi, nỗi đau thì ở lại. Thế nhưng sự hi sinh của các anh có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với những người đã được các anh cứu sống, và đối với cả đất nước. Tôi tin rồi từ đây, chúng ta sẽ có ý thức cao hơn về việc phòng chống “giặc lửa” và chúng ta đã cảm nhận được nỗi đau thương về sự hi sinh của đồng loại mình. Chúng tôi, những người dân Việt Nam sẽ luôn ghi nhớ những hi sinh lớn lao của các anh.
